TP - Quy hoạch sông Hồng đoạn qua Hà Nội sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm mật độ xây dựng cao ốc khi lồng ghép vào Quy hoạch chung phát triển Thủ đô Hà Nội. Quy hoạch chung cũng xác định trục Hồ Tây - Ba Vì sẽ là tuyến giao thông hiện đại.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Đỗ Viết Chiến - Phó Cục trưởng Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng cho biết: Quy hoạch sông Hồng là hợp tác giữa Hà Nội với Seoul (Hàn Quốc) từ năm 2006, trước khi có quy hoạch chung Hà Nội. Trong quá trình làm quy hoạch chung, Thủ tướng chỉ đạo phải lồng ghép quy hoạch sông Hồng vào quy hoạch chung vì sông Hồng là trục cảnh quan chính của thành phố trung tâm.
7 tỷ đô la đầu tư đô thị bên sông Hồng
Thưa ông, mâu thuẫn giữa trị thuỷ với phát triển đô thị, khai thác quỹ đất hai bên sông Hồng đến nay đã thật sự được giải quyết?
Quỹ đất hai bên sông Hồng chỉ được khai thác trong điều kiện đã xác định được tuyến hành lang thoát lũ, nó như chỉ giới đường đỏ trên đường bộ. Nếu không chỉ được ra thì sẽ không biết khai thác đến đâu.
Vấn đề trị thuỷ được đặt lên hàng đầu, an toàn thoát lũ vẫn được đặt lên số một. Sau tuyến hành lang thoát lũ thì đến đê và đây là nội dung mà Cục Đê điều đang phối hợp với Hà Nội để xác định rõ chỗ nào cần gia cố thêm, chỗ nào phải nắn chỉnh, mở rộng thu hẹp.
Quỹ đất hai bên sông sẽ được khai thác như thế nào?
Đoạn sông đi qua thành phố trung tâm dài 40 km và chia thành 4 đoạn, đoạn đầu nằm ở khu vực Thượng Cát-cầu Thăng Long; đoạn 2 từ cầu Thăng Long - cầu Vĩnh Tuy; từ cầu Vĩnh Tuy - cầu Thanh Trì; từ Thanh Trì đến hết địa phận Hà Nội.
Chức năng của 4 đoạn này bao gồm: khu đô thị mới, trung tâm phân phối hàng hoá, hệ thống công trình công cộng phục vụ đô thị, công viên sinh thái, công viên chuyên đề giải trí, thể thao, văn hoá, du lịch, bãi đỗ xe...
Đã có một số điều chỉnh so với đề xuất của chuyên gia Hàn Quốc. Cụ thể, khu vực bãi Tứ Liên, sau khi nghiên cứu lại thấy rằng cần giảm mạnh mật độ xây dựng và tầng cao tại đây vì trước đây khi nghiên cứu, một số người đặt vấn đề là phải lấy dự án nuôi dự án, không trông cậy vào nguồn lực ngân sách.
Chúng tôi thấy nếu xây cao sẽ tạo ra bức tường bê tông ngăn cách không gian giữa hồ Tây với sông Hồng và Cổ Loa. Do vậy, đã điều chỉnh giảm quy mô xây dựng xuống và ưu tiên xây dựng tại đây quảng trường, công viên sinh thái phục vụ cộng đồng.
Khu vực kề cận với làng Bát Tràng, tư vấn nước ngoài đề nghị quy mô công trình xây dựng rất lớn, nhưng nay đã giảm mật độ xây dựng xuống nhiều để hài hoà với làng cổ Bát Tràng. Khu Thượng Cát liên quan đến vành đai sông Nhuệ, cũng đã điều chỉnh giảm mạnh mật độ và tầng cao xây dựng xuống phù hợp hơn với chức năng vành đai xanh.
Theo tính toán của tư vấn, dự án phát triển sông Hồng đoạn qua Hà Nội cần trên 7 tỷ USD đầu tư và phải di dời gần 40.000 hộ dân, tương đương 170.000 người. Dự án quy hoạch này đã qua nhiều lần hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia và nhân dân...
Theo tính toán của chuyên gia Hàn Quốc, sau khi đã tính trị thuỷ, sẽ khai thác được trên 1.500 ha đất để xây dựng đô thị hai bên sông với nhu cầu vốn đầu tư lên tới trên 7,1 tỷ USD. Nhưng khi lắp vào quy hoạch chung mới thấy không hoàn toàn như vậy mà nguồn lực đó sẽ được xem xét kể cả những khu đô thị khác nữa phía Bắc sông Hồng để bù đắp chi phí.
Đến nay trục Hồ Tây - Ba Vì và quỹ đất dự trữ ở Ba Vì được tính toán ra sao?
Theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị và kết luận của Thủ tướng, về giao thông đô thị cần thiết phải có tuyến Hồ Tây - Ba Vì vì khi Hà Nội đã chọn phát triển về phía Tây thì đương nhiên phải tăng cường hạ tầng đi theo. Tính toán của chuyên gia, giao thông cho khu vực này còn thiếu vì lưu lượng phương tiện của các đô thị vệ tinh phía Tây với thành phố trung tâm sẽ rất lớn.
Trục Hồ Tây-Ba Vì còn là trục không gian, sau này chia ra từng đoạn cho phù hợp thực tế chứ không như trước đây định làm thẳng băng là không đúng. Tuyến đường này phải nối được hai thắng cảnh của Hà Nội là Hồ Tây và hồ Đồng Mô, phục vụ cộng đồng về nhiều mặt.
Minh Tuấn (Thực hiện)
Print