Đầu tư bất động sản phải hết sức thận trọng

Với chủ đề “Bí quyết làm giàu và thuật phong thuỷ trong kinh doanh BĐS" - cuộc toạ đàm của CLB BĐS Hà Nội ngày 15.1 tại Hà Nội đã thu hút hơn 500 thành viên là các DN kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tư vấn, môi giới BĐS lớn tham gia.

Thứ Hai, 17.1.2011 | 08:58 (GMT + 7)

Với chủ đề “Bí quyết làm giàu và thuật phong thuỷ trong kinh doanh BĐS" - cuộc toạ đàm của CLB BĐS Hà Nội ngày 15.1 tại Hà Nội đã thu hút hơn 500 thành viên là các DN kinh doanh trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, tư vấn, môi giới BĐS lớn tham gia.

Tuy nhiên, dường như câu  chuyện về thuật phong thủy chỉ là một cái cớ để các DN, NĐT BĐS ngồi lại và đưa ra những nhận định về lĩnh vực nóng này trong năm mới 2011. Sau đây là một vài ý kiến nổi bật, đáng chú ý.

Cuộc toạ đàm ngày 15.1 do CLB Bất động sản Hà Nội tổ chức.     Ảnh: S.M
Cuộc toạ đàm ngày 15.1 do CLB Bất động sản Hà Nội tổ chức. Ảnh: S.M

Ông Trần Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Vinaland Invest (TPHCM):
Đầu tư BĐS Hà Nội phải thận trọng mới bảo toàn được vốn


Năm 2010, thị trường BĐS chứng kiến diễn biến trái chiều ở hai đầu Nam - Bắc, trong đó thị trường Hà Nội có sức tăng trưởng tốt và thị trường TPHCM thì ngược lại. Tuy nhiên, tôi cho rằng, sang năm 2011, thị trường sẽ có sự phát triển đồng đều và thực chất hơn. Khác với năm 2010, thị trường BĐS 2011 sẽ phát triển và phục hồi phần lớn nhờ vào nguồn vốn kích cầu của Chính phủ. Sang năm 2011, thị trường đang có đà và cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới, sự đi lên của thị trường chắc chắn sẽ tốt hơn. Cần phải nói thêm là thị trường BĐS năm 2010 dù trong khó khăn vẫn minh chứng được là thị trường đầu  tư hấp dẫn nhất của VN, với sự khẳng định là 9/10 doanh nhân giàu nhất TTCK đều là các doanh nhân kinh doanh BĐS. Sự hấp dẫn đó cho chúng ta hy vọng vào sự bứt phá của BĐS năm 2011. Riêng với thị trường BĐS Hà Nội, tôi cho rằng sẽ vẫn tiếp tục hấp dẫn trong tương lai. Tuy nhiên, việc đầu tư vào đây thật sự phải có sự am hiểu kỹ hơn về pháp lý và chọn lọc vị trí sản phẩm thận trọng thì NĐT mới bảo toàn được vốn và lợi nhuận trong năm 2011. 

Ông Võ Văn Cường – TGĐ CTCP Tập đoàn Cường Hưng Thịnh (Đà Nẵng):
Đầu tư BĐS Đà Nẵng rất tiềm năng

Tôi theo dõi lĩnh vực BĐS được 2 năm. Trong 2 năm đó, tôi đã chứng kiến sự tăng trưởng ngoạn mục của BĐS Đà Nẵng, nhiều nơi có sự tăng trưởng trên 200% như các dự án Khu đô thị An Cư 2, An Cư 5, từ mức dưới 20 triệu đồng/m2 năm 2009, hiện đang có mức xấp xỉ 40 triệu đồng/m2. Gần 80% khách đầu tư, làm mưa làm gió ở thị trường BĐS Đà Nẵng lại là NĐT Hà Nội, số còn lại là các NĐT đến từ TPHCM, trong đó phân khúc được chú ý nhất là biệt thự, khách sạn nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, thị trường nhà chung cư ở đây lại rất kém. Nguyên nhân do người dân Đà Nẵng chưa có thói quen ở chung cư, giá đất nền lại khá rẻ, giá nhà chung cư lại khá cao... Để phân khúc này phát triển được và để người dân có thể tham gia, riêng với thị trường này, tôi cho rằng cần có sự hỗ trợ của ngân hàng với phương thức vay vốn trung, dài hạn để mua nhà. Có vậy mới kích được phân khúc này phát triển.

Ông Nguyễn Quốc Khánh – TGĐ CTCP đầu tư và phân phối DTJ – Sàn BĐS DTJ Hà Nội:
Năm 2011, các dự án BĐS sẽ tiếp tục gặp khó khăn về nguồn vốn

Theo nhận định của cá nhân tôi, thời gian đầu năm 2011, các dự án BĐS sẽ còn gặp một số khó khăn về nguồn vốn. Nguyên nhân cơ bản do lãi  suất ngân hàng còn ở mức rất cao, dư âm của cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế thế giới vẫn còn ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến sự hạn chế về dòng vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn đầu tư từ khu vực châu Âu. Một trong những mong muốn, tôi cho rằng cũng là của hầu hết các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực BĐS là cơ chế chính sách nên ổn định, không nên thay đổi thường xuyên, khiến các DN khó chủ động trong việc hoạch định kế hoạch và tài chính. Bằng kinh nghiệm của mình, tôi cũng  cho rằng, DN nào minh bạch, rõ ràng về thông tin, chấp hành đúng luật, hoạch định được hướng đi riêng chắc chắn sẽ thành công. Đối với cơ quan chức năng, tiếng nói chung của các DN BĐS là mong muốn được tiếp cận thông tin cởi mở, rộng rãi hơn và bình đẳng hơn. 

Phạm Huệ

Print