Vay tiền dân phải biết cách dùng

01:46 | 02/11/2013

Việc Chính phủ đề xuất phát hành 170.000 tỉ đồng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014-2016 là chủ đề nóng mà Quốc hội đã “mổ xẻ” trong ngày họp Quốc hội 31-10. Dư luận dường như đã mệt mỏi về chuyện “mượn tiền”, hơn ai hết họ càng lo lắng về việc xài tiền vay ra sao cho hợp lý.

Bài học kích cầu năm 2009

Năm 2008, chứng kiến kinh tế suy thoái mạnh mẽ, Việt Nam đã tung ra gói kích cầu thứ nhất. Trong bảy lĩnh vực chính mà Chính phủ tận dụng để kích cầu giai đoạn 2008-2009 có hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ.

Tuy nhiên, công tác Sơ kết công tác hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại (NHTM) năm 2009 cho thấy nhiều sai phạm nghiêm trọng. Có đến 3.923 trường hợp cho vay với tổng số tiền 8.334 tỉ đồng trái quy định về đối tượng cho vay, số lượng cho vay, số lần cho vay. “Việc kích cầu, trợ lực nền kinh tế là rất quan trọng. Tuy nhiên, gói kích cầu thứ nhất để lại nhiều bài học nhớ đời” - TS Đào Minh Phúc, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cho biết.

Vay tiền dân phải biết cách dùng - 1

Kiểm tra, giám sát theo dõi hệ thống đấu thầu trái phiếu điện tử do Kho bạc Nhà nước phát hành. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, nhầm lẫn chết người khi vốn cho vay không được kích cầu mà chuyển hướng “kích cung”. Nghĩa là nhiều đơn vị được vay vốn để xây dựng dự án mới, nhập khẩu hàng để tiếp tục kinh doanh, mua nguyên liệu mới để sản xuất sản phẩm. Như vậy, lượng hàng tồn không chỉ không được giải quyết mà còn tăng lên tạo thêm gánh nặng thị trường.

Cuối cùng, các gói kích cầu trong môi trường thiếu minh bạch, thiếu tính toán về lộ trình xử lý vốn kích cầu nên dẫn đến kẽ hở cho các nhóm lợi ích trục lợi. Dư luận đã nhiều lần lên án nhóm lợi ích phía sau gói kích cầu bất động sản.

Nếu lần này phát hành trái phiếu một phần để kích cầu thì phải lựa chọn đúng thời điểm, đúng đối tượng và đúng liều lượng mới có thể kích cầu hiệu quả.

Không phải cái gì cũng chi

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh phát biểu trước Quốc hội việc phát hành bổ sung vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư giai đoạn 2014-2016 chủ yếu tập trung vào các dự án đầu tư mới. Đồng thời, tiếp thêm tiền cho khoảng 75% dự án giao thông, thủy lợi, các bệnh viện đang đầu tư dở dang.

Tuy nhiên, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan từng trả lời báo chí rằng: “Hiện nay nhu cầu thì rất nhiều nhưng năng lực thì khó đảm bảo. Thế nên Chính phủ nên “nhịn cái gì cần nhịn”. Nghĩa là trong chi tiêu, cần hạn chế các mức chi chỉ phục vụ cho các nhóm lợi ích hoặc nằm ngoài mục tiêu mang lại phúc lợi và công bằng cho người dân”.

TS Lê Đăng Doanh lưu ý đến việc giám sát chi ngân sách của Chính phủ. “Quốc hội phải xem xét những biện pháp giám sát, theo dõi từ khâu chi tiền của Chính phủ, thực hiện dự án của các nhà đầu tư, kiểm định chất lượng dự án tương ứng với cam kết đề ra, ngăn chặn tham nhũng và nhóm lợi ích xuất hiện. Không thể để có trường hợp như việc xây nhà vệ sinh trường học bé xíu mà chi đến 600 triệu đồng” - ông Doanh nhấn mạnh.

Đặc biệt, không ít ý kiến lo ngại về việc vỡ nợ khi phát hành thêm trái phiếu, mặc dù Chính phủ trấn an mức nợ công sẽ không vượt mức 65% GDP vào năm 2015. Tuy nhiên, TS Lê Đăng Doanh nhắc lại tính toán của ông Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hiệp Quốc: “Nếu tính luôn nợ của doanh nghiệp nhà nước, nợ công Việt Nam đã chiếm 106% GDP”.

Bên cạnh đó, báo The Economist cho thấy tính đến đầu tháng 3-2013, tổng mức nợ công của Việt Nam vào khoảng 71,6 tỉ USD, chiếm tới 49,4% GDP, thuộc hàng cao nhất trong châu Á. Giả sử vay thêm 170.000tỉ đồng và nền kinh tế gặp biến cố mạnh từ bên ngoài hoặc bên trong thì mức nợ công lập tức “tràn bờ”.

Về lý thuyết, nếu Chính phủ dùng ngân sách để chi hiệu quả, thúc đẩy quy luật kinh tế hàng - tiền - hàng, nghĩa là sản xuất ra thêm của cải hữu ích, cân đối hàng hóa và tiền, kích thích nhu cầu xã hội thì rất tốt. Nhưng nếu tiền đổ vào các dự án kém hiệu quả, gây lãng phí, tham nhũng thì thật là tai hại. Điều quan trọng không phải là xem Chính phủ hứa gì mà là tìm ra cách giám sát và quản lý cam kết, hoạt động chi tiêu của Chính phủ.

Chuyên gia kinh tế-TS LÊ ĐĂNG DOANH

 

 

 

Theo Đỗ Thiện (Pháp luật TPHCM)
Bạn cần đăng nhập để tham gia thảo luận.