Tâm sự của Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội

04:47 | 18/06/2011

Câu chuyện “kết bè” của người bị ngã từ độ cao 24m
 
http://www.hoclamgiau.vn/Groups/GroupContentDetail.aspx?id=3186&groupid=83&catid=0
 
http://www.hoclamgiau.vn/news/onlinedetail.aspx?id=20
 
http://hanoilandclub.vn/forum_posts.asp?TID=194&PN=1
 
Cả phòng hội thảo chỉ có duy nhất một cách tay đưa lên. Đó là một người đàn ông tầm thước, có gương mặt rất phúc hậu. Tôi không hề nhận thấy một dấu ấn của bất cứ một sự vất vả nào trên gương mặt anh. Vậy mà, cuộc đời anh lại hoàn toàn ngược lại...  


Ban lãnh đạo Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, từ phải sang trái: Chủ tịch CLB Nguyễn Hữu Cường và 2 Phó chủ tịch - Lê Thị Lan Anh và Trần Xuân Lượng

 
Tuổi thơ khốn khó và đầy nghị lực

Anh Nguyễn Hữu Cường sinh trong một gia đình nghèo và có bẩy người con ở Hải Phòng. Bố anh là chiến sĩ quân báo, ít khi có mặt ở nhà, mẹ ốm yếu vì hậu sản, là con trai trưởng, anh sớm thành trụ cột của cả gia đình.

Khi còn nhỏ anh là một cậu bé thông minh, ham học hỏi và có năng khiếu về âm nhạc. Mới 8 tuổi, anh đã được chọn biểu diễn sôlô ghita ở Nhà hát Lớn ở Hải Phòng và được đưa lên Nhạc viện Hà Nội để chuẩn bị sang Leningrad (hiện nay là Sankt-Peterburg) học âm nhạc. Đáng tiếc, khi anh mới lên Hà Nội được một tuần, thì giặc Mỹ rải thảm bom dữ dội ở Hà Nội và Hải Phòng, mẹ anh quyết định cho con về “để cả gia đình sống chết có nhau”. Nếu được sang Liên Xô học tập, chắc tuổi thơ anh sẽ bớt chông gai và có thể anh sẽ là một nhạc sĩ ghi ta nổi tiếng.

Trở về Hải Phòng, nhà vắng bóng người cha, mới 8,9 tuổi, anh Cường đã phải làm rất nhiều việc để giúp mẹ duy trì cuộc sống gia đình. Sáng đi học, sau bữa cơm trưa anh phải lăn lộn vào cuộc mưu sinh. Đội đá, đội cát, đội than, khuân vác ở bến cảng, quay bễ lò rèn, gò hàn, đan thúng mủng... là những “trò chơi” của anh trong thời thơ ấu.

Có những hôm, 12h đêm, cậu bé 10 tuổi phải kéo xe cải tiến đi mua mía cùng chị, mang về nhà chặt phân loại, ủ vào bao tải xấp nước để cho hai đầu gióng mía khỏi bị khô và cất vào gầm giường, chuẩn bị sẵn để trưa đi học về còn gánh ra chợ bán.

Lòng thương mẹ và công việc đã tôi luyện cậu bé Cường, giúp cậu làm được những việc khó tin đối với những đứa trẻ ở tầm tuổi đó. Mới 13,14 tuổi, cậu tự nghĩ đến việc chở đất về lấp khu đất trũng trước nhà làm vườn và đi mót xỉ than, tích cóp tiền mua vôi để đóng gạch babanh thay từng vách đất (tường nhà) căn nhà 80 m2 của gia đình. Để thay hết các bức vách, cậu thiếu niên mất gần 3 năm trời. Cậu bé luôn tin, nếu nỗ lực hết sức, thì tấm lòng của cậu sẽ thấu tới ông trời và được ông trời hỗ trợ. Có lẽ chính nhờ vào niềm tin đó, mà cậu bé đã vượt qua những gian khó của tuổi thơ.

Vất vả nhưng anh Cường luôn là học sinh giỏi và lớp trưởng trong suốt những năm phổ thông. Có chút thời gian rảnh rỗi anh thường đi thuê sách về đọc. Những cuốn sách phổ biến hồi bấy giờ như Nguyễn Văn Trỗi, Lê Văn Tám, Thép đã tôi thế đấy, Chiến tranh và hòa bình, những tấm gương người tốt việc tốt... đã góp phần không nhỏ hình thành nhân sinh quan về cuộc sống cũng như những tính cách của anh.

Những nhân vật trong chuyện đã làm anh phải suy tư rất nhiều. Cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn như vượt dòng thác lũ. Ý tưởng về một chiếc bè thật lớn, có thể trở mình, trở người thân, trở bạn bè và nhiều người khác nữa... cùng thoát khỏi sự nghèo khổ để đi đến bến bờ của hạnh phúc của anh được hình thành từ ngày đấy. Anh cho biết, ngay từ những ngày đó, anh đã nhận thức rất rõ, nếu chỉ sống cho một mình, thì quá ích kỷ và không phải là đích sống của cuộc đời anh. Ngoài ra, sự bình tĩnh, tỉnh táo trước những biến cố tai ương của cuộc đời cũng là một đức tính rất tốt mà anh đã rèn luyện được nhờ vào những cuốn sách đã đọc thời thơ ấu.

Tốt nghiệp phổ thông, thi đỗ đại học ngành cơ khí, nhưng vì gia đình quá nghèo, các em đang tuổi lớn, anh Cường xin bảo lưu kết quả để đi làm công nhân phụ mẹ nuôi các em. Không ngờ, cuộc sống lam lũ cuốn anh Cường suốt cả 10 năm trời tiếp theo, không có lối thoát, nghèo vẫn hoàn nghèo. Anh Cường xin phép mẹ, quyết định bán đi chiếc quạt trần duy nhất trong nhà để lấy tiền ôn thi, thi lại đại học. Năm 1989, anh thi đỗ vào phân khoa của Đại học Xây dựng ở Hải Phòng. Kết thúc năm thứ 2 đại học, theo chính sách dành cho những gia đình có công với cách mạng, anh Cường được cử sang Nhật học tiếp. Cuộc đời anh chuyển sang một giai đoạn mới.

Ra nước ngoài khổ luyện

Ở Nhật, anh Cường gần như phải học lại từ đầu, kiến thức 2 năm học ở Việt Nam hầu như không phù hợp với nội dung giảng dạy ở đây. Người Nhật đào tạo sinh viên theo mô hình thực tế, dạy sinh viên ngay tại công trường. Chỉ nguyên việc thích nghi với tốc độ đi, cường độ làm việc, đã là cả một vấn đề khó khăn với các sinh viên Việt Nam vốn có thể chất yếu hơn người Nhật nhiều lần. Anh Cường cho biết, rất may, có lợi thế là quen với khổ cực từ nhỏ, nên cuộc sống mới tại Nhật không phải là một áp lực quá lớn đối với anh.

Trong thời gian học tập tại đây, anh có điều kiện làm việc với các công ty xây dựng lớn của Nhật như Công ty Shimizu, Toa Corporation, Kumagai , Obayashi... Không chỉ thu thập được kiến thức chuyên ngành xây dựng, anh Cường đã học được từ người Nhật những bài học quý báu. Đó là sự làm việc hết mình, tính tự giác cao, sự cẩn trọng chu đáo, đặc biệt là cách làm việc theo nhóm.

Anh cho biết, một điều gần như là tôn chỉ đối với người Nhật là cho dù họ có giỏi đến mấy vẫn cần đến sự bổ sung từ đồng nghiệp, trong khi người Việt Nam mình thì ngược lại. Khi có một chút kiến thức hoặc kinh nghiệm, người Việt thường bị rơi vào trạng thái tự tin quá thái, lạc quan tếu, tự cho phép mình đứng lên trên đầu mọi người và như thế đồng nghĩa với việc đẩy xa bản thân ra khỏi các cơ hội học tập. Trong khi đó, người Nhật càng giỏi, giữ vị trí càng cao lại càng có ý thức tìm sự hỗ trợ từ người khác và mọi quyết định của họ đều thông qua tập thể nên rất ít khi phải sửa sai.

Một điểm đặc biệt nữa của người Nhật, liên quan đến nghề xây dựng mà anh Cường học được rất nhiều, là các kiến thức về phong thủy. Điều này có lẽ xuất phát từ cấu tạo địa lý của nước Nhật, rất hay xảy ra động đất núi lửa, mỗi lần tai họa xảy ra đều cướp đi rất nhiều mạng sống của con người, nên người Nhật đặc biệt chú trọng đến việc nghiên cứu các kiến thức siêu hình với mong muốn làm giảm bớt những tổn thất về người.

Bất cứ công ty xây dựng nào của người Nhật đều có một chuyên gia đặc biệt là pháp sư. Pháp sư dùng các thủ pháp phong thủy để chế ngự và dung hòa các mệnh khác nhau nhằm hạn chế sự phá cách và xúi quẩy khi đầu tư dự án. Tuỳ thuộc thổ nhưỡng địa lý từng vùng miền định đầu tư xây dựng dự án, khi thấy có dấu hiệu tà khí ở đây, thì pháp sư sẽ tìm những người có bản mệnh phù hợp để làm giám đốc dự án. Những pháp sư này được đào tạo theo các giáo trình đặc biệt trong Khoa Thần học trực thuộc Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Học viên theo học ở đây được tuyển chọn rất đặc biệt. Họ thường có mặt lặng lẽ trong các buổi gặp gỡ quan trọng khi đàm phán về những vấn đề gay cấn khó khăn như xung đột tôn giáo, chính trị, kinh tế...

Sau ba năm học tập và làm việc hết mình, với tấm bằng kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp, anh Cường về Việt Nam và được Công ty Nomura của Nhật mời vào Ban Quản lý dự án làm việc với Công ty Xây dựng Obayashi Nhật Bản tại Dự án Khu công nghiệp Nomura, Hải Phòng có100% vốn nước ngoài.

Những bài học bổ ích từ người Nhật trong quá trình làm việc tại Việt Nam

Đây là khu công nghiệp đầu tiên tại Việt Nam rộng 153ha với mức lương là 1.500 USD/1tháng, rất cao so với thời điểm đó ở Việt Nam . Hiện tại ở đây có tới hơn 100 doanh nghiệp thuê văn phòng, nhà xưởng, có nhà máy xử lý nước thải hiện đại và lớn nhất Đông Nam Á và nhà máy nhiệt điện có công suất 50.000MW.

Anh Cường cho biết, lần đầu tiên các kỹ sư xây dựng của Hải Phòng được làm quen với cách làm việc chuyên nghiệp của Nhật Bản. Và cũng lần đầu tiên các kỹ sư và công nhân xây dựng Hải Phòng phải thay ca làm việc 24/24h để kịp tiến độ của dự án.

Người Nhật có những cách quản lý và đào tạo nhân viên hoàn toàn mới mẻ đối với người Việt. Ông Tokuhiro, Giám đốc dự án người Nhật, ngoài 50 tuổi, làm việc với cường độ mà các kỹ sư trẻ Việt Nam khó lòng mà theo kịp. Từ 8h sáng đến 5h chiều, không hề ăn, trong trời nắng như đổ lửa của Việt Nam , ông đi vòng quanh khắp 153ha để quan sát và đưa ra các chỉ đạo ngay tại công trường. Trong suốt thời gian đó, 2 người phiên dịch Việt Nam, thay ca cho nhau, mặt đỏ như gấc, lúc nào cũng trong trạng thái thở hổn hển, gần như chạy theo sếp để làm việc, nhưng họ không hề nhận thấy ở ông bất cứ biểu hiện mệt mỏi nào, mà ngược lại lúc nào ông cũng trong trạng thái phấn kích và tràn đầy năng lượng.

Anh Cường cho biết, đây không đơn thuần chỉ là phong cách làm việc mà còn là cách giáo dục thị phạm của người Nhật đối với các kỹ sư Việt Nam để buộc họ phải nhận ra và điều chỉnh hành vi của mình. Quan điểm của người Nhật là cấp dưới có thể kêu mệt, kêu đói nhưng bản thân người lãnh đạo thì không được phép.

Cách giữ nhân viên của người Nhật cũng rất độc đáo. Do đặc thù của dự án triển khai ở nước ngoài, người Nhật chỉ có mặt thời gian đầu, sau đó rút dần về nước và quản lý từ xa, nên một trong những vấn đề đau đầu nhất đối với họ là sự trung thực của nhân viên người bản xứ. Nếu phát hiện ra sự gian dối đương nhiên là phải sa thải, mỗi lần sa thải tuyển người mới không hề đơn giản. Họ đã giải quyết vấn đề này rất đơn giản. Mấu chốt nằm ở chỗ: con người chỉ gian dối khi họ tin rằng những người xung quanh mình không biết. Vì vậy, người Nhật đã tập hợp và dạy cho nhóm lãnh đạo chủ chốt của dự án tất cả các thủ pháp gian dối, thậm chí có rất nhiều thủ pháp tinh vi làm cho người học phải sửng sốt. Phòng ngừa vi phạm gian dối là cách giữ người an toàn nhất.

Hay như để đào tạo các lái xe cho sếp, người Nhật cho những người mới tuyển ngồi hàng tuần chỉ để xem các băng quay chậm những vụ tai nạn khủng khiếp do những bất cẩn của người cầm lái. Xem nhiều đến mức người lái xe choáng không còn dám phóng nhanh vượt ẩu nữa.

Năm 1996, dự án xây dựng khu công nghiệp hoàn tất, anh Cường lại được Tập đoàn Taiheiyo Cement của Nhật thuê quản lý xây dựng nhà máy sản xuất xi măng hiện đại nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm này - Nhà máy xi măng Nghi Sơn ở Thanh Hóa công suất 2,15 triệu tấn/năm. Đây là một công trình xây dựng tương đối phức tạp, tập hợp hầu hết các nhà thầu lớn về xây dựng của Nhật và Việt Nam, với đường băng tải chuyên chở đá vôi dài nhất thế giới gần 11km xuyên qua núi từ địa phận xã Quỳnh Lưu Nghệ An về xã Nghi Sơn Thanh Hóa dài 2,5 km với đường kính đường hầm có chu vi 3,5 m, nối với cầu cảng dài 2,5 km từ bờ ra biển...

Cả công trình lớn trị giá 400 triệu USD chỉ có 6 kỹ sư đảm nhiệm, 4 người Việt Nam, 2 người Nhật. Mọi người đều phải làm việc 12-14 tiếng/1 ngày. Tất cả 4 kỹ sư Việt Nam đều được đưa sang Nhật tập huấn để được đào tạo chuyên sâu về quản lý dự án và kỹ năng đàm phán với các nhà thầu quốc tế khó tính.

Anh Cường cho biết, đây là quãng thời gian, các kỹ năng mềm của anh được nâng cao rất nhiều. Các nhà thầu xây dựng, đặc biệt là Nhật, không hề mềm mại như các nhà thầu thương mại, họ luôn tìm cách thay đổi bản thiết kế đã được phê duyệt theo hướng có lợi cho họ, các kỹ sư dự án phải nghiên cứu rất kỹ từng hợp đồng và dùng đủ các thủ pháp vừa rắn vừa mềm để giữ vững quan điểm của mình.

Về chuyên môn, đây cũng là khoảng thời gian anh Cường tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu sau những sự cố như cả nhà máy đập đá ở chân núi Nghệ An bị xô nghiêng do sự tính toán cọc chịu lực không đủ, hay như chỉ vì tiết kiệm một mũi khoan địa chất mà không phát hiện được mạch nước ngầm và các tầng địa chất đã làm sạt lở cả một góc núi phải chuyển dịch cả mặt bằng nhà máy ra xa hàng trăm mét... Anh Cường nghiệm ra với những công trình xây dựng phức tạp, dù có giỏi chuyên môn đến đâu cũng có thể mắc sai lầm và chỉ có sự làm việc hết mình mới có thể giảm thiểu tốt nhất những sự cố trong xây dựng.

Đây cũng là khoảng thời gian, anh Cường tạo dựng được nhiều mối quan hệ tốt cũng như cả một hệ thống khách hàng cho quãng đường sắp tới của mình.

Chết hụt và dự án cho tương lai

Chắc anh Cường còn nằm trong vòng xoáy của các công trình xây dựng nếu không xảy ra một biến cố làm đảo lộn cuộc sống của anh. Đầu năm 2004, trong khi đi kiểm tra công trường, đứt dây bảo hiểm, dàn giáo gẫy, anh Cường rơi từ độ cao 24m xuống đất, rất may trong khi rơi anh túm được một thanh khung. Anh dùng hết sức bám chặt, sau đó đu vào đứng im ở một thanh giàn giáo phía dưới, 15 phút sau anh mới được các đồng nghiệp đưa xuống. Thoát chết, nhưng do va đập khi rơi, anh bị thoái vị đĩa đệm và phải nằm điều trị trong bệnh viện Bạch Mai cả năm 2004.

Mặc dù đầu óc tỉnh táo, nhưng anh hoàn toàn không thể cử động được trong nửa năm. Trong thời gian này, anh suy nghĩ rất nhiều, về những ước mơ thời thơ ấu của mình, về “chiếc bè lớn” mà anh từng ao ước. Anh tự đặt câu hỏi, những năm qua anh đã làm một khối lượng công việc khổng lồ, nhưng ước mơ thủa nhỏ vẫn còn rất xa vời. Thời gian trôi đi không quay lại, vậy không phải bây giờ thì đến bao giờ anh mới bắt tay ghép những miếng ván đầu tiên cho chiếc bè mơ ước?

Ý tưởng manh nha về một nơi tụ họp những người cùng đam mê kinh doanh bất động sản bắt đầu từ khi đó. Ý nghĩ dựa trên sự hiểu biết đã được tích lũy nhiều năm của anh Cường về phong thuỷ bất động sản. Khi nhìn vào một khu đất dự án, hay một căn nhà, biệt thự... anh có thể thấy tà khí hay vượng khí, anh còn nhìn thấy triển vọng sinh lời trong tương lai của mảnh đất đó nếu người chủ biết cách can thiệp để biến thành một sản phẩm cao cấp. Những ngôi nhà cấp bốn xen kẹt méo xiên xẹo nhưng qua tay anh đã trở thành những tác phẩm nghệ thuật về không gian sống làm gia tăng giá trị siêu lợi nhuận về bất động sản. Đây chính là điểm mạnh nhất của anh Cường và anh muốn chia sẻ khả năng đó để giúp mọi người đều có thể làm được và trở nên giàu có.

Đứng dậy khỏi giường bệnh, mặc dù sức khỏe chưa hoàn toàn ổn định và đôi lúc vẫn bị ám ảnh bởi cú ngã vừa qua, anh Cường bắt đầu tư vấn cho bạn bè, kiều bào và nhiều tổ chức đầu tư nước ngoài đầu tư mua nhà đất, trang trại và các loại bất động sản ở khắp Việt Nam và rất được tín nhiệm.

Đến cuối năm 2009, anh Cường cùng lớp Bất động sản của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đồng nghiệp, những người có chuyên môn và tiềm năng kinh tế thành lập ra Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội với mong muốn cùng phát triển và giúp đỡ những người có vốn ít hơn vẫn có thể tham gia vào lĩnh vực đầu tư được coi là dành cho các đại gia như bất động sản.

Anh cho biết, từ đầu năm tới giờ đã có tới hơn 20 dự án, mỗi dự án trị giá trên dưới 3 tỷ VND, tổng trị giá hơn 60 tỷ VND, đem lại lãi xuất từ vài trăm triệu tới hơn 1 tỷ/1 dự án đã được nhiều thành viên trong Câu lạc bộ chia sẻ cùng đầu tư. Phân khúc đầu tư theo cách này không bị ảnh hưởng bởi các cơn sốt bất động sản tác động do nhu cầu về chỗ ở của đa số người có thu nhập thấp là rất lớn. Trong tương lai, khi các cơ sở pháp lý của Câu lạc bộ được hoàn thiện, anh Cường và nhóm nòng cốt của Câu lạc bộ sẽ nhân rộng mô hình này trên toàn quốc, những người có số vốn vài trăm triệu cũng có thể tham gia đầu tư.
 

Về mặt pháp lý, Ngày 10/8/2010 tại Thành phố Hồ Chí Minh - Ban Thường vụ của Hiệp Hội Bất Đvộng Sản Việt Nam đã họp và đã thông qua với sự tán thành100% của các Uỷ viên Thường vụ, đồng ý về mặt pháp nhân công nhận Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội là thành viên của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Trong tháng 9 sắp tới, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ công bố chính thức.

Anh Cường cho biết, đất cát nhà cửa có linh hồn, có thần linh, táo quân, thổ thần trú ngụ. Con người có thể dối được nhau, nhưng không thể dối được đất và các vị thần linh. Câu lạc bộ sẽ có chế tài mạnh để ngăn ngừa các thành viên không thể dối trá bất minh khi mua bán bất động sản để ngăn những hậu quả không hay về sau, kể cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Anh mong muốn Câu lạc bộ sẽ là nơi kết nối mọi người đến với nhau để chia sẻ thông tin, xây dựng các mối quan hệ đa chiều và tạo cơ hội làm giàu.

Đúc kết lại hành trình sống của mình từ tuổi ấu thơ đến nay, anh Cường cho biết bài học lớn nhất mà anh rút ra là sự không ngừng học hỏi, tâm phải đủ đầy tử tế, coi tất cả khó khăn, chướng ngại vật là những cơ hội đầy thú vị để tăng thêm năng lượng sống và giúp đỡ được thật nhiều người làm giàu chính đáng và hạnh phúc.

Hy vọng, Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội sẽ chính là chiếc bè lớn mà anh Cường hằng mơ ước!

Bạn cần đăng nhập để tham gia thảo luận.
  • Tran Ngoc Hai 28/07/2012 18:07
    Bai viet rat hay. Cam on tac gia. Mr Cuong qua la nguoi rat co anh huong trong gioi BDS Viet Nam, xung dang la nguoi di tien phong trong cong cuoc chia se kinh nghiem vi 1 moi truong BDS lanh manh hon cho Viet Nam