Biệt thự rao bán ê hề, hiếm khách mua

01:54 | 20/08/2012

Anh Tuấn Anh đang rao bán một căn biệt thự 3,5 tầng tại khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên, diện tích gần 190 m2. Tòa nhà chào với giá 10,3 tỷ đồng có đầy đủ sân vườn, tiểu cảnh và nội thất hiện đại. Sàn, cửa sổ, cầu thang được làm bằng gỗ lim đen bóng. Tính trung bình mỗi m2 chỉ khoảng 54 triệu đồng, đã bao gồm sổ đỏ và phí sang tên. Do cần tiền gấp, chủ nhà còn khuyến mãi nhiều đồ nội thất như giường tủ, tivi. "Trên thị trường hầu hết biệt thự xây thô được chào bán với giá 56-60 triệu đồng mỗi m2, chưa bao gồm phí sang tên. Tôi cần tiền nên buộc phải bán rẻ, thậm chí chấp nhận lỗ", anh tâm sự. Ảnh: Hoàng Lan Thị trường biệt thự, nhà cao cấp gần như bất động suốt nhiều tháng qua. Ảnh: Hoàng Lan. Trong bối cảnh trầm lắng chung của thị trường, giá biệt thự cũng tiếp đà giảm khoảng 15-20% so với hồi đầu năm. Dự án thuộc Bắc Quốc Lộ 32 và Kim Chung Di Trạch hạ tầng chưa hoàn thiện nên giá thấp hơn, khoảng 20-26 triệu đồng mỗi m2 tùy từng dự án. Còn biệt thự Văn Khê, Pháp Vân ô thường giá còn khoảng 45-50 triệu đồng đã bao gồm xây thô. Không chỉ đất biệt thự ở những khu đô thị chưa hoàn thiện bị giảm giá mạnh mà ngay cả ở những khu thuộc hàng "siêu đắt" đã có người ở cũng phải giảm. Biệt thự to, đẹp khu vực Linh Đàm, Mỹ Đình, Nguyễn Phong Sắc đã hoàn thiện cũng chỉ còn khoảng trên dưới 100 triệu đồng mỗi m2 tùy khu vực. Một nhân viên môi giới ở Mỹ Đình cho biết, từ 4 tháng nay có khách hàng gửi bán căn biệt thự có diện tích 100 m2 tại Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, ngay mặt đường Hoàng Ngân với giá 16 tỷ đồng. Biệt thự có nội thất hiện đại, tuy nhiên đến nay vẫn chưa gặp khách và người bán đành cho thuê làm quán... karaoke. Nhân viên này chia sẻ, ở khu Trung Hòa Nhân Chính, giá biệt thự có thời gian đỉnh điểm lên 30-40 tỷ đồng nhưng nay giảm xuống và dao động trong khoảng 15-30 tỷ đồng. Nhiều khách vay ngân hàng để mua biệt thự đầu tư nhưng nay buộc phải bán tháo cắt lỗ và trả nợ dưới sức ép của nhà băng. Anh Thành Công, chuyên viên thu hồi nợ tại một ngân hàng cổ phần tiết lộ, anh mới tiếp nhận trường hợp khách hàng nợ 5 tỷ đồng, phải rao bán căn biệt thự rộng hơn 220 m2 tại Xa La, Hà Đông với giá 7,5 tỷ đồng. "Trong khi đó, căn biệt thự này trước chủ nhà mua với giá 15 tỷ đồng. Giảm giá một nửa nhưng đã rao bán 3 tháng nay, biệt thự này vẫn chưa có khách hỏi mua”, anh Công cho biết. Ông Tường Linh, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản cho hay mặc dù giá giảm sâu xong giao dịch ở phân khúc biệt thự rất hiếm hoi. Suốt hơn một tháng nay, sàn của ông gần như "bất động" vì không bán được căn nào. "Chỉ lác đác người hỏi mua chung cư dưới 1 tỷ đồng và nhà riêng lẻ. Phân khúc biệt thự gần như đóng băng", ông nói. Không những giảm giá mạnh, đất biệt thự ở nhiều khu đô thị vùng ven còn không có giá trị thế chấp ở một số nhà băng. Anh Nguyễn Hải Nam – một luật sư cho hay, do cần tiền gấp, anh buộc phải "cắm" căn biệt thự tại Mê Linh để thế chấp ngân hàng nhằm vay khoảng 700 triệu đồng. “Chạy đi chạy lại, chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác cũng không vay nổi tiền. Một số nhà băng từ chối thẳng thừng, có nơi chỉ chấp nhận cho vay 200-300 triệu, hơn nữa lại phải làm thủ tục và chờ giải ngân tới hơn một tháng”, anh Nam kể. Ông Lê Xuân Trường, giám đốc Công ty Bất động sản B.D.S nhìn nhận, dù đã giảm giá liên tục trong vòng một năm qua nhưng giá địa ốc vẫn còn quá cao so với giá trị và khả năng chi trả của người có nhu cầu thực. Biệt thự lại thuộc loại những bất động sản đắt tiền và có giá "ảo" nhất. Vì vậy, theo ông Trường, để thị trường có thể có thanh khoản tốt hơn thì giá cần phải giảm mạnh hơn nữa. Ngoài ra, những người có tiền để có thể mua được biệt thự thường đã có nhà ở và không thuộc đối tượng có nhu cầu cấp bách về nhà ở. "Các phân khúc, trong đó chắc chắn có nhà biệt thự, phải giảm tiếp vài chục phần trăm thì thị trường mới có nhiều giao dịch vì lúc đó người mua mới thích ứng được", ông Trường nhấn mạnh. Theo vnexpress.net
Bạn cần đăng nhập để tham gia thảo luận.